Búp bê Daruma (Ảnh: takahito/Flickr)
“Daruma” (ダルマ) là phiên âm tiếng Nhật của chữ “Dharma” trong tiếng Phạn, đọc theo âm tiếng Hán là “Đạt Ma” (達磨). “Dharma” là cách gọi giản lược của “Bodhidharma” (Bồ Đề Đạt Ma) – tên vị tổ thứ 28 của phái Thiền tông Ấn Độ. Từ khi phái Thiền tông du nhập và phát triển rực rỡ ở Nhật Bản thì hình tượng đức Bồ Đề Đạt Ma đã được nhiều người tôn thờ và khắc họa qua hình dáng của búp bê Daruma.
Thông thường, Daruma sẽ được mua từ chùa về vào những ngày đầu năm mới như biểu tượng của một Engimono – tức những “vật khởi duyên” giúp mang lại may mắn trong đời sống tâm linh của người Nhật. Cấu trúc cơ thể đặc biệt với phần trọng tâm được đặt ở đế giúp Daruma có thể bật dậy lập tức khi bị đè ngã chính là lí do khiến cho búp bê này trở thành Engimono tượng trưng cho ước mơ và nghị lực “7 lần ngã, 8 lần đứng dậy”.
(Ảnh: Christopher Woodrich/Flickr)
Búp bê Daruma được mô phỏng theo tư thế ngồi thiền của đức Bồ Đề Đạt Ma với hai chân bắt chéo lên nhau, hai tay xếp sát vào thân. Trên thực tế, hình dáng Daruma được giản lược đi cả phần tay chân, đến mức chỉ còn hình đầu người.
Daruma được làm thủ công bằng kỹ thuật bồi giấy truyền thống của người Nhật. Trên khung gỗ làm sẵn trước đó, người ta dán nhiều lớp giấy chồng lên nhau để tạo hình Daruma như ý muốn. Để làm ra một con búp bê Daruma, cần phải trải qua gần 20 công đoạn và tất cả đều được làm bằng tay. Chính vì vậy, mỗi con búp bê đều có một dáng vẻ riêng.
Daruma mang một vẻ ngoài dị biệt với thân hình màu đỏ rực, nét mặt dữ tợn cùng đôi mắt để trống, chưa được tô vẽ. Những ai bắt gặp Daruma lần đầu ắt hẳn không tránh khỏi cảm giác tò mò xen lẫn đôi chút sợ hãi. Tuy nhiên, vẻ ngoài đặc biệt này của Daruma lại ẩn chứa hàm ý khá thú vị.
Daruma chưa vẽ mắt được bày bán tại chùa chiền (Ảnh: Nikita/Flickr)
Những con Daruma được bày bán ở đền chùa sẽ không được vẽ mắt. Sau khi mua về, người chủ sẽ vừa thành tâm cầu ước một điều gì đó, như thi đậu đại học, sức khỏe cho người thân,... vừa dùng bút đen tô vào con mắt bên trái của Daruma. Sau đó, Daruma sẽ được đặt ở những nơi trang trọng và dễ nhìn thấy để nhắc nhở chủ nhân về mục tiêu chưa hoàn thành. Cuối cùng, sau khi đã đạt được ước nguyện, người chủ sẽ vẽ nốt con mắt còn lại của Daruma, mang Daruma trở về chùa và đốt đi. Việc làm đó nhằm thể hiện rằng họ đã giữ tròn lời hứa của mình với thần linh. Vẻ ngoài đáng sợ của Daruma như một lời nhắc nhở mạnh mẽ để người chủ có thêm động lực hoàn thành mục tiêu đã đề ra. Bên cạnh đó, màu đỏ rực của Daruma còn tượng trưng cho khả năng trừ tà, bởi theo quan niệm của người Nhật từ thời cổ đại, màu đỏ có tác dụng xua đuổi tà ma và bảo vệ con người khỏi thiên tai, bệnh tật.
Daruma được vẽ mắt đầy đủ sẽ được mang trở về chùa và đốt đi trong nghi lễ “Dondo-yaki”. Người Nhật quan niệm các loại bùa cầu may cần phải thay mới hằng năm, tuy nhiên không được vứt đi mà phải mang đến đền thờ hoặc chùa để đốt (Ảnh: PIXTA)
Về việc vẽ mắt cho Daruma, bạn có thắc mắc tại sao lại phải vẽ con mắt bên trái trước tiên hay không? Theo Thuyết âm dương của văn hóa Trung Quốc, “trái” tượng trưng cho “âm” còn phải tượng trưng cho “dương”. Vạn vật nếu tuân theo quy luật âm - dương, trái - phải chính là thuận theo tự nhiên, ắt sẽ gặp điều tốt. Do đó có giả thuyết cho rằng việc vẽ mắt Daruma cũng nằm trong quy luật này.
Chính vì ý nghĩa sâu xa đó mà Daruma thường được dùng làm quà tặng trong những dịp sinh nhật, lễ tết hoặc khi một người bắt đầu sự nghiệp hay một chặng đường mới trong đời, nhằm gởi gắm lời chúc về ý chí kiên định và lòng quyết tâm. Ngoài màu đỏ rực thường thấy, Daruma còn có những màu sắc khác với những ý nghĩa tương ứng, như màu xanh lá tượng trưng cho vẻ đẹp và sức khỏe, màu vàng tượng trưng cho sự giàu có còn màu hồng đại diện cho tình yêu.
Dù bằng hình thức thể hiện nào thì Daruma cũng mang một ý nghĩa khích lệ, thúc đẩy chúng ta mau chóng hoàn thành những ước mơ đang ấp ủ của bản thân. Có thể nói Daruma vừa là một món quà tâm linh đầy ý nghĩa vừa là hiện thân của con người xứ Phù Tang với vẻ đẹp vô cùng tinh tế và đầy thú vị. Hãy để Daruma chắp cánh ước mơ cùng bạn nhé!
nguồn : st Thùy Dương/ kilala
du hoc nhat ban